chuyển đổi số

Chuyển đổi số (Digital Transformation) đang là khái niệm nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà quản lý. Nhưng nếu không hiểu đúng về khái niệm này, rất có thể bạn và doanh nghiệp của mình thất bại trong cách tiếp nhận và triển khai quá trình này.

Theo khảo sát toàn cầu năm 2017 của McKinsey, số lượng những doanh nghiệp thành công trong quá trình chuyển đổi số chỉ vỏn vẹn dừng lại ở con số 30%.

Đứng trên vai trò một nhà quản lý doanh nghiệp, đã bao giờ bạn tự hỏi: Điều gì khiến một vài doanh nghiệp số hóa thành công và trở nên thịnh vượng trong khi rất nhiều doanh nghiệp khác “hụt hơi” trong cuộc đua chuyển đổi số chưa?

Bài viết này sẽ làm sáng tỏ những những hiểu lầm mà mọi nhà quản lý cần tránh trước khi quyết định đầu tư công sức, tiền bạc vào công cuộc chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình.

Chuyển đổi số là gì?

Trước tiên, để nhìn nhận được những hiểu lầm mà những nhà quản lý (mà có thể là chính bạn) thường mắc phải, ta cần phải nắm được khái niệm: Chuyển đổi số (Digital Transformation) là gì?

Khái niệm này ra đời trong thời đại Internet bùng nổ, đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Nó mô tả việc ứng dụng công nghệ (digitalize) vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp. Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện (transformation) cách thức mà một doanh nghiệp hoạt động và truyền tải thông điệp tới khách hàng.

Một quy trình chuyển đổi số thành công phải ứng dụng được công nghệ vào tất cả 5 khía cạnh trụ cột sau:

  • Thúc đẩy văn hóa và chiến lược số
  • Gắn kết khách hàng
  • Cải tiến quy trình vận hành
  • Công nghệ làm việc
  • Phân tích và quản lý dữ liệu

Minh chứng thành công rõ ràng nhất của chuyển đổi số trong doanh nghiệp là trường hợp của Starbucks. Từng chịu cảnh lao đao khi phải đối mặt với cuộc suy thoái tài chính vào năm 2008 tại Mỹ, đội ngũ lãnh đạo công ty đã quyết định triển khai chuyển đổi số ngay giữa bối cảnh rối ren ấy.

Khởi động bằng việc thành lập viện nghiên cứu Starbucks Digital Ventures năm 2008, Starbucks cho ra đời hàng loạt những ứng dụng công nghệ tân tiến, có thể kể đến như:

  • Là chuỗi cửa hàng đầu tiên cung cấp wifi miễn phí cho khách hàng
  • Cho ra đời website My Starbucks Ideas, tiếp nhận ý kiến cải thiện dịch vụ trực tiếp từ người dùng
  • Nâng cao trải nghiệm thanh toán của khách hàng bằng 4 cách thuận tiện
  • Ứng dụng AI (trí thông minh nhân tạo) để hỗ trợ người dùng mua hàng nhanh chóng

Nhờ chuyển đổi số thành công, Starbucks đã lấy lại tương tác với khách hàng và tăng hiệu suất tổng thể. Kết quả cho sự tiên phong trong ứng dụng công nghệ số vào mô hình hoạt động của hệ thống, giá cổ phiếu của Starbucks cũng đã tăng trở lại, từ khoảng $ 8 trong năm 2009 lên gần $ 58 vào tháng 7 năm 2018 trên sàn chứng khoán NASDAQ.

Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng và lợi ích khổng lồ của chuyển đổi số, nhưng nếu những nhà quản lý còn loay hoay với những hiểu lầm căn bản sau, họ có thể sẽ làm phung phí nguồn lực và sụp đổ hoàn toàn những cố gắng của doanh nghiệp.

Sau đây là 4 sai lầm phổ biến nhất về chuyển đổi số

# Hiểu lầm thứ 1: Chuyển đổi số vô cùng tốn kém

Theo ước tính của IDC, đến năm 2022, các doanh nghiệp sẽ chi ra hơn 2 nghìn tỷ đô la cho các dự án chuyển đổi số.

Đối với những doanh nghiệp nhỏ, con số dường như sẽ dập tắt nhen nhóm ý định bắt tay vào quá trình chuyển đổi số của họ. Nhưng trên thực tế, trong một cuộc khảo sát gần đây, 88% CIO (Chief Information Officer – Giám đốc công nghệ thông tin) của các công ty có tiềm lực kinh tế lớn thừa nhận họ thất bại, hoặc phải trì hoãn quá trình chuyển đổi số của mình. Tiền rõ ràng không phải là câu trả lời cho bài toán chuyển đổi số thành công.

Trong 10 năm qua, với sự đột phá về mặt công nghệ như sự ra đời của các bộ mã nguồn mở, điện toán đám mây,… các doanh nghiệp với mọi quy mô đều có thể triển khai quá trình chuyển đổi số.

hieu-nham-chuyen-doi-so-01

Chuyển đổi số không thực sự quá tốn kém như nhiều nhà quản lý tưởng tượng 

Yếu tố thành bại của quá trình này thực chất nằm ở vấn đề liệu doanh nghiệp có thể cáng đáng được 5 trụ cột của công thức chuyển đổi số thành công hay không.

# Hiểu lầm thứ 2: Làm nhanh, làm nhiều không đồng nghĩa với hiệu quả

Không phải tất cả mọi vấn đề của doanh nghiệp đều cần phải được số hóa. Nhắc lại một lần nữa, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp chỉ cần tập trung vào 5 khía cạnh chính yếu nhất: Văn hóa và chiến lược số – Sự hài lòng của khách hàng – Quy trình vận hành – Công nghệ làm việc và Dữ liệu.

Tâm lý tham lam, nóng vội muốn áp dụng nhiều xu hướng công nghệ cùng một lúc thường là cách nhanh nhất dẫn đến thất bại. Bạn sẽ dễ bị sa đà, không có đủ nguồn lực và thời gian để giải quyết những vấn đề cốt lõi nhất.

Trong thế giới công nghệ mà mọi thứ thay đổi quá gấp gáp như hiện nay, bạn cần một cái đầu lạnh để có thể bình tĩnh tìm ra những khó khăn của công ty, thấu hiểu mô hình kinh doanh, bối cảnh cạnh tranh cũng như tâm lý người tiêu dùng trước khi cân nhắc việc áp dụng công nghệ.

# Hiểu lầm thứ 3: Chuyển đổi số sẽ thành công ngay sau khi bạn hoàn tất việc áp dụng công nghệ

Công nghệ rốt cuộc cũng chỉ là một thứ công cụ, bản thân việc áp dụng công nghệ chẳng thể đảm bảo được kết quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Sự thành công của chuyển đổi số phải nằm ở trong tư duy, trong cách nhân viên tiếp cận và giải quyết vấn đề hàng ngày, hàng giờ. Chuyển đổi số không chỉ là hoạt động nhằm tối ưu hóa quy trình làm việc, tăng năng suất, tạo lợi nhuận mà hơn hết, nó phải là nền tảng văn hóa của một doanh nghiệp. Và văn hóa đó, phải được xây dựng và thực hành trong một chiến lược lâu dài và kiên định.

# Hiểu lầm thứ 4: Chuyển đổi số là sân chơi riêng của các ông lớn trong làng công nghệ

Chúng ta chẳng còn xa lạ gì với những cái tên xuất hiện dày đặc trên trên các phương tiện truyền thông trong thời gian gần đây: Uber và Grab thách thức ngành taxi truyền thống. Airbnb thách thức khái niệm về khách sạn và lưu trú. Netflix thách thức các kênh giải trí truyền thống. Spotify tái định nghĩa cách chúng ta tiếp cận âm nhạc… Những câu chuyện này đã và đang tạo ra hiểu lầm cho nhiều doanh nghiệp truyền thống tại Việt Nam khi cho rằng:

Chuyển đối số trước nay vẫn được coi là sân chơi chính cho các unicorn và startup công nghệ cao, trong khi chính những doanh nghiệp truyền thống mới là những trụ cột nuôi dưỡng nền kinh tế.

hieu-nham-chuyen-doi-so-02

Doanh nghiệp ở mọi quy mô đều có thể triển khai chuyển đổi

Các doanh nghiệp truyền thống bị giới hạn bởi sức ì do chính hệ thống, cơ chế, quy trình và bộ máy tổ chức tạo ra. Vì thế, họ dần mất đi khả năng thích ứng nhanh, khả năng linh hoạt, và tinh thần sáng tạo.

Nếu không linh hoạt bắt kịp với những đổi thay mang tính chiến lược, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng bị đào thải. Nên lưu ý, cứ 10 công ty có tên trong danh sách Fortune 500 hiện nay, sẽ có 4 công ty biến mất trong vòng 10 năm tới, nhường chỗ cho các công ty mới, biết tận dụng thế mạnh của công nghệ để bứt phá.

Tổng kết

Chuyển đổi số đã không còn chỉ là một xu hướng nhất thời, mà đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong thời đại ngày nay. Quy trình đã và sẽ định nghĩa lại cách các doanh nghiệp kinh doanh, tiếp cận khách hàng và truyền tải sứ mệnh đến cộng đồng.

Tuy nhiên, muốn triển khai thành công quy trình này thì một nhà quản lý không thể chỉ dựa trên những hiểu biết hời hợt “bề nổi” được. Bởi vậy, trước khi bắt đầu có suy nghĩ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, những người lãnh đạo cần phải trang bị thật đầy đủ những kiến thức cần thiết cho bản thân mình!

Nguồn: Resource Base